Chùa Linh Phước
Linh Phước tự tọa lạc trên một khu đất nằm bên phải quốc lộ 20 - đường từ Đà Lạt đi Cầu Đất, thuộc địa bàn Trại Mát, phường 11.
Chùa được khởi công xây dựng vào năm 1949 và hòan thành vào năm 1952 do Phật tử địa phương phát tâm đóng góp.
Năm 1990 dưới sự thiết kế và chỉ huy thi công của Thầy Trụ trì đời thứ năm là Thượng Tọa Thích Tâm Vị và sự đóng góp của Phật tử địa phương cùng Phật tử các nơi, Chùa đã được xây dựng lại toàn bộ như ngày nay.
Công trình đầu tiên gây được ấn tượng với khách hành hương là Long Hoa Viên, tạc hình con rồng uốn lượn dài tới 49 m quanh tượng đài Phật Di Lạc. Vây rồng được làm bằng 12.000 vỏ chai bia, bên cạnh thân rồng có hồ nước và hòn giả sơn, có tượng Phật Di Lạc ngự trên đỉnh.
Đến với Chùa Linh Phước, ngoài việc dâng hương lễ Phật, du khách còn được thưởng ngoạn những kiến trúc được xây dựng công phu. Trước hết phải kể đến chánh điện và Tiền đàng bảo tháp, một công trình kiến trúc đồ sộ và độc đáo: chánh điện dài 33 m, rộng 22 m; Tiền đàn bảo tháp cao 27 m được chạm trổ hình rồng. Lầu 1 có gian thờ 108 tượng "Thiên thủ thiên nhãn". Trong nội điện, tượng Phật Thích Ca cao 4,9 m kể cả tòa sen, được làm bằng bê-tông cốt thép, bên ngoài thiếp vàng, phía là bức phù điêu cảnh Bồ Đề Thọ rất sống động.
Dọc hai bên chính điện là hai hàng cột rồng khảm mảnh sành tương tự như phong cách khảm tại các lăng mộ vua nhà Nguyễn. Bên trên hai hàng cột ấy là những bức phù điêu khảm sành mô tả lịch sử Đức Phật Thích Ca từ giáng sinh đến nhập niết bàn. Hai bên vách chánh điện từ ngoài thẳng vào trong phần dưới khảm chai đà trông giống như đóng lam-ri bằng cây trúc. Phía trên điêu khắc những bức tranh về những điển tích kinh A-di-đà, Quán Vô Lượng Thọ và kinh Pháp Hoa. Phía sau Tổ đường thờ Tổ Bồ-đề-đạt-ma, bức phù điêu Thập bát La Hán và Thập mục Ngưu đồ, tất cả đều có vẻ đẹp hoành tráng làm du khách phải kinh ngạc.
Trước Long Hoa Viên là tòa Linh tháp 7 tầng, cao 37 m (được xem là tháp chuông cao nhất Việt Nam hiện nay được Vietbooks xác lập số 528/KLVN/2008 vào ngày 05/05/2008) đây là nơi thờ các tôn tượng Phật quý và cũng là bảo tàng viện. Lầu 1 còn có Đại hồng chung (đúc vào cuối năm Kỷ Mão 1999), Chuông cao 4,3 m, đường kính 2,3 m và nặng tới 8,5 tấn. Việc đúc chuông có sự đóng góp vật lực, tài lực của Phật tử, du khách từ Bắc chí Nam, trong nước và ngoài nước.. Một nhóm nghệ nhân Huế đã có 3 đời đúc chông được mời đến đã dành ra hơn một năm để tạo khuôn, đúc và chạm khắc những hình ảnh trên chuông, bao gồm các ngôi chùa nổi tiếng của nước ta, tượng Phật nghìn mắt nghìn tay, các thắng cảnh… Toàn bộ ngôi Tháp trang trí rồng phượng hoa văn điển tích tứ thời, tứ quý, bát âm, bát bửu … từ mái đến vách trong ngoài lancan, cột cửa đều khảm sành rất công phu. Mua hàng trăm tấn miểng sành sứ từ Bát Tràng Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, tỉnh Song Bé, Bình Dương về tôn tạo chùa và bảo tháp.
Bên cạnh Bảo Tháp là tượng Phật bà Quan Âm bằng hoa bất tử cao 17 m với hơn 2 tấn hoa, là bức tượng bằng hoa lớn nhất châu Á.
Trước sân chùa còn có Bảo đài Quan Thế âm Bồ Tát tạo dáng rất hài hòa cân đối. sau đài Quan Âm là bãi đậu xe rộng rải cho khách hành hương về tham quan lễ bái.
Bên phải chùa là khu vực nội viện. Ngôi nhà Tăng là nơi sinh hoạt của chư Tăng. Nhà tăng gồm 3 tầng, trên cùng là Tịnh Đường và ao sen bán nguyệt. Tầng giữa và tầng trệt là các phòng cho Tăng chúng. Chính giữa nhà là phòng khách lớn và thư viện của chùa. Trước sân nhà Tăng là tháp mộ của Hòa Thượng Thượng Quang hạ Lý và hoa viên tươi mát cùng bức phù điêu sơn thủy sống động.
Sáng 17-12, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao bằng chứng nhận kỷ lục thế giới cho công trình tượng Bồ Tát Quán Thế Âm bằng hoa bất tử lớn nhất thế giới cho chùa Linh Phước (P.11, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng), theo ủy quyền của Liên minh Kỷ lục thế giới (World Records Union).
Thượng tọa Thích Tâm Vị - trụ trì chùa Linh Phước - cho biết vào dịp Festival hoa Đà Lạt lần thứ 3 (2010), chùa đã đã dựng một bức tượng Bồ Tát Quán Thế Âm bằng hoa bất tử trước tháp chuông 7 tầng.
Tượng có chiều cao 17m, cốt tượng làm bằng thép chịu lực, được thiết kế đứng trên tòa sen, tay phải cầm cành dương liễu, tay trái cầm bình cam lộ.
Để dựng được bức tượng, các phật tử và nghệ nhân đã sử dụng khoảng 650.000 bông hoa bất tử, tương đương 1.630kg hoa, thời gian thi công 36 ngày.
Qua hai lần được xác lập kỷ lục Việt Nam (2010) và kỷ lục châu Á (2012) đến nay, tượng luôn luôn được giữ gìn, tôn tạo, đều đặn hai năm/ lần thay mới hoa hoàn toàn, trưng bày tại chùa để phật tử và du khách thăm viếng, lễ bái.
Chùa Linh Phước là một trong những danh thắng nổi tiếng của Thành phố Đà Lạt, là công trình kiến trúc khảm sành đặc sắc, đậm đà bản sắc Á Đông. Hằng năm thường xuyên đón tiếp du khách từ khắp nơi trong và ngoài nước đến lễ bái và tham quan công trình khảm sành độc đáo này.
Xem mục khác
- Làng Hoa Vạn Thành Đà Lạt
- Vườn Hoa Thành Phố
- Vườn Thú Zoodoo Đà Lạt
- Thác Đatanla Đà Lạt
- Giới thiệu thành phố Đà Lạt
- Làng Nấm Đà Lạt
- Thung Lũng Vàng
- Tea Resort Prenn - Thác Prenn Đà Lạt
- Đồi Chè Cầu Đất Đà Lạt
- Hoa Sơn Điền Trang
- Hồ Tuyền Lâm
- Quảng Trường Lâm Viên Đà Lạt
- Làng Biệt Thự Cổ Đà Lạt
- Cao Nguyên Hoa Đà Lạt
- Nhà Thờ Chánh Tòa - Nhà Thờ Con Gà Đà Lạt
- Dinh Bảo Đại Đà Lạt
- Thác Pongour
- Chùa Linh Ẩn
- Cường Hoàn Silk
- Cà Phê Mê Linh - điểm check in
- Ga xe lửa Đà Lạt
- Nông Trại Cừu Đà Lạt - Frenzy Farm
- Các Quán Cà Phê Check In Hướng Tây Đà Lạt
- Nông Trại Cún - Puppy Farm Đà Lạt
- Thiền Viện Trúc Lâm Đà Lạt
- Biệt Thự Hằng Nga - Crazy House
- Thung Lũng Tình Yêu - Đồi Mộng Mơ - Đà Lạt
- Hồ Suối Vàng
- Làng Cù Lần
- Nhà Thờ Domain De Marie Đà Lạt
- Thiền Viện Vạn Hạnh
- Vườn Ánh Sáng Lumiere
- Điểm check in hướng phía Đông Đà Lạt
- Khu Du Lịch Núi Lang Bian
- Đường Hầm Điêu Khắc - Làng Đất Sét Đà Lạt
- Cáp Treo Đà Lạt- Đồi Rô Bin
- Thác Voi